Notes

Powered by The LE Company

Wednesday, January 5, 2011

Người Việt ở Mỹ là ai ?

Trống Đồng Việt Nam

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2011/01/3BA25076/?p=2#aComment

Tôi xin được nêu rõ một vài khác biệt trong số những người được gọi là Việt kiều để cho những bạn trong nước có thể hiểu một cách tương đối chính xác và có được cái nhìn đa diện về cuộc sống ở xứ người hơn.


 Việt kiều hiện được chia ra làm 3 nhóm khác nhau:
1. Những người rời khỏi Việt Nam hơn 20 năm về trước bằng đường biển.
2. Những du sinh trẻ, những doanh nhân... ra nước ngoài trong vòng 16 năm trở lại đây.
3. Những người được gia đình bảo lãnh theo diện đoàn tụ hay là hôn nhân.

Nhóm 1:
a. Nhóm này đã rời Việt Nam và đang định cư tại xứ người, nhiều nhất là ở Mỹ.
b. Nhóm này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để bắt đầu cho cuộc sống tại xứ người, bởi vì:
- Lúc ra đi thì họ đã chấp nhận bỏ lại tất cả. Cho nên họ không ý tưởng nhìn lại, không so sánh để phải băn khoăn, hối tiếc. Họ đã có thái độ sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn phía trước.
- Họ nhận được những giúp đỡ tài chánh và mọi thứ cần thiết trong cuộc sống ngay từ những ngày đầu định cư.
- Nhóm người này bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhiều trình độ khác nhau:
+ Những người đã từng là công nhân, nông dân, làm việc chân tay thì cảm thấy thỏa mãn với những công việc mới tại xứ người (xét về mặt thu nhập và thái độ đối xử trong xã hội mới). Thế hệ thứ 2 của nhóm này cũng thành công nhiều trên con đường học vấn
+ Những người có bằng cấp tại Việt Nam thì lúc đầu cảm thấy bị hụt hẫng rất nhiều bởi vì phải làm lại tất cả từ đầu. Họ phải làm đủ thứ việc mà trước đây họ chưa từng làm. Tuy nhiên họ không còn có một chọn lựa nào khác cho nên dễ chấp nhận thực tế. Trong nhiều năm đầu, không ít những người trong nhóm này bị những người từng làm việc bằng chân tay coi thường, vì đã bị cho là "xuống cấp" cũng như có nguồn thu nhập kém hơn (vừa học vừa làm, hay là có làm thì cũng không bằng sức).
Những người này dù có nói thật về những khó khăn tại xứ người nhưng vẫn bị gia đình trách móc vì nhận thấy những người ít học hơn mà lại thường xuyên gởi tiền về để giúp đỡ người thân rất nhiều. Đây cũng là những nỗi bức xúc lớn đối với nhóm này, trong những ngày chân ướt chân ráo tại xứ lạ quê người. Thế nhưng, thời gian đã giúp một số đông trong nhóm này vượt thoát những khó khăn, đạt được những thành quả đáng kể về mặt học vấn và nghề nghiệp chuyên môn. Thế hệ thứ hai của nhóm này cũng đạt nhiều thành tích đáng kể về mặt học vấn và ổn định tài chánh gia đình cho nên những mặc cảm ban đầu dần dần đã được san bằng.
c. Do hội nhập được với xã hội nơi xứ người cho nên họ mất dần cảm giác buồn lo trong cuộc sống (trừ cái lo riêng của từng cá nhân). Họ có nhiều bạn bè từ những người đồng hương gặp nhau ở trại chuyển tiếp, gặp nhau ở xứ người qua các khóa học hay từ nơi làm việc (bao gồm cả những sắc dân khác).
Thêm nữa, bây giờ mọi thứ đều được "toàn cầu hóa", từ thông tin qua mạng, điện thoại viễn liên giá rẻ và họ lại có điều kiện dễ dàng để về thăm Việt Nam cho nên chuyện nhớ nhà, nhớ quê hương, chuyện thiếu tình người... không còn là vấn đề đáng quan tâm trong nhóm người này nữa.

Nhóm 2: Nhóm này chiếm một tỷ lệ không lớn so với nhóm 1. Những người trong nhóm này đã rời Việt Nam bằng đường máy bay cho nên:
- Họ đã không trải qua những chặng đường khốn khổ trước khi định cư như những người trong nhóm 1. Họ thường thiếu sự chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận khó khăn trước khi rời Việt Nam. Đôi khi nhóm này còn nhận được những thông tin sai lạc qua hình ảnh, những câu chuyện "nổ" của những người đi trước khiến họ mơ tưởng về một thiên đường nơi xứ lạ hơn là thấy được những thực tế khó khăn đang chờ đón.
- Họ có thể đang có một cuộc sống khá tốt, đang giữ một chức vụ cao cũng như sở hữu một số tài sản có giá trị khi còn ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi đến định cư tại nước ngoài họ vẫn còn "vương vấn" với những thứ ấy cho nên rất khổ sở để đối đầu với một cuộc sống mới. Họ cảm thấy "nhục" khi phải làm những công việc không phù hợp với "trình độ" hay là "giai cấp" của họ như tại quê nhà.
- Họ không nhận được tài trợ như người bản xứ cho nên gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Khó khăn về tài chánh sẽ dẫn đến nhiều khó khăn về mặt tinh thần. Vì thế mà nhóm người này rất khó hội nhập và rất khó thành công nếu không kiên trì và dẹp bỏ tự ái cá nhân.
- Du học sinh có học bổng thì ít gặp trở ngại về chuyện học nhưng lại phải lo về mặt tài chánh (vì học bổng không đủ cho cuộc sống) cho nên cuộc sống cũng khá vất vả.
- Những du học sinh nhà giàu thì không lo về mặt tài chánh nhưng phần lớn thì có sức học không cao cho nên dễ nảy sinh lối sống "thoáng" rồi dẫn đến chuyện lơ là việc học và thất bại. Những bạn trẻ này không có chỗ đứng nơi xứ người.
- Những du học sinh không có học bổng nhưng cũng không có nguồn tài chánh dồi dào chu cấp từ gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học vì phải dành thì giờ để kiếm tiền để trang trải mọi chi phí. Nếu vượt qua nổi khó khăn, nhóm trẻ này có thể thành công và thích nghi với cuộc sống mới dễ dàng hơn. Nếu gặp thất bại thì cũng sẽ không có chỗ đứng trong xã hội xứ người.
- Ít bạn bè cộng với nỗi buồn nhớ quê nhà cùng những ràng buộc tình cảm gia đình trong nhóm này còn khá cao cho nên cuộc sống dễ bị chi phối và buồn chán. Cuộc sống tại xứ người rất nhàm chán đối với họ là chuyện hiển nhiên.

Nhóm 3: Nhóm này cũng chỉ là một con số rất nhỏ so với nhóm 1. Nhóm người nầy cũng tựa như nhóm 2 (chỉ khác là có một số có thể nhận được hỗ trợ tinh thần và tài chánh của thân nhân đi trước).
Nhóm người này cũng không dễ hội nhập nếu chưa dám bỏ hết những gì mà mình đã có trong khoảng thời gian ở tại quê nhà. Những ai từng làm việc bằng chân tay thì rất dễ hội nhập vì họ được nhiều hơn là mất khi đến xứ người. Cũng có một số cuộc hôn nhân bị đổ vỡ do đến với nhau bằng những tính toán tài chánh dành cho gia đình nhiều hơn là cho hạnh phúc của bản thân họ. Họ chỉ mượn đường đi để thực hiện cho được ý tưởng đó, những người này cũng nên thông cảm vì trên vai của họ có nhiều gánh nặng từ mọi phía.
Nhóm này cũng cần thời gian mới hội nhập và san bằng những khác biệt về cuộc sống tại xứ người. Trong số này có những bậc phụ huynh được ra nước ngoài để đoàn tụ gia đình. Phần lớn, họ rất khó hội nhập với cuộc sống mới vì vấn đề tài chaính, ngôn ngữ, văn hóa, có khi còn vướng bận tình cảm con cái hiện còn ở Việt Nam. Thêm vào đó họ lại có nhiều thời giờ thừa thãi. Tất cả những thứ ấy đã khiến cho họ nhìn thấy cuộc sống tại xứ người không thể nào thích hợp.

Bạn Danny thì thuộc nhóm thứ hai. Những gì bạn Danny nêu lên về đời sống thực tế tại Mỹ thì khá đúng. Nhưng điều đó có thể là đúng về cuộc sống đa số của những người trong nhóm thứ 2 và 3 cùng một số nhỏ trong nhóm thứ 1 mà thôi.
Thêm nữa, những bài góp ý của Danny thì không hoàn toàn mang tính "chia sẻ" mà lại có lối viết châm biếm, coi thường những người, những nghề khác nhau tại Mỹ. Xu hướng này được thấy rõ trong các đoạn kết của các bài góp ý, nhất là mấy bài thơ. Chính điều này đã gây nhiều phẫn nộ cho một số độc giả. Nhưng cũng có không ít những bạn trẻ đồng tình với quan điểm của bạn Danny vì họ cũng cùng hoàn cảnh sống thuộc nhóm thứ 2 và 3.
Có một số độc giả chỉ trích Danny và muốn hành xử theo phương thức thiếu tinh thần dân chủ. Theo tôi, diễn đàn đã cho ta cơ hội để chia sẻ và nói lên ý kiến của người tham dự. Chúng ta có quyền phân tích, tranh luận để cho người đọc gần xa đánh giá qua các góp ý của mình. Nếu họ hiểu không đúng thì sự thiệt thòi sẽ thuộc về phần họ. Chúng ta không nên bào chữa một cách "phản tác dụng" vì thiếu tinh thần tôn trọng người khác và tính dân chủ. Không nên dùng diễn đàn để đánh giá thấp hay tệ hơn nữa là để mạ lỵ một nhóm người nào đó. Hãy biết lắng nghe và cũng không nên bắt ai phải xin lỗi cho dù mình nghĩ người đó đã cố tình xúc phạm. Nên nhớ rằng, có rất nhiều độc giả thầm lặng đang theo dõi và đánh giá diễn đàn.
Tôi cũng có cùng chung một số quan điểm như Danny khi nêu lên những thực tế của cuộc sống dẫn đến thành công.
Người Á châu của chúng ta luôn đánh giá sự thành công của một người qua bằng cấp. Người Tây phương thì đánh giá sự thành công qua tài năng của người đó.
Tài năng bao gồm học vấn nhưng không loại bỏ những năng khiếu khác nữa, chẳng hạn năng khiếu thể thao, âm nhạc, kịch nghệ, văn chương, kinh doanh ... Mỗi người một năng khiếu riêng và sẽ dẫn đến một thành công riêng. Có nhiều chính trị gia nổi tiếng không có bằng cấp cao nhưng họ có năng khiếu thuyết phục, có tài giao tế và điều hành. Những người chơi giỏi các môn thể thao, những ca sĩ, kịch sĩ, những văn sĩ, tài tử, những doanh nhân thành công (cũng không cần có bằng cấp) thì vẫn được ngưỡng mộ và đề cao như những nhà khoa học, những nhà trí thức khác vậy.
Tôi cũng đồng ý với những lời khuyên của Danny dành riêng cho những người có bằng cấp, có địa vị và cuộc sống tốt tại Việt Nam hiện nay hãy nên suy nghĩ kỹ trước khi định cư ở xứ người. Tuy nhiên Danny có vẻ chủ quan khi mà khuyên nhủ họ nên bỏ học để quay sang làm giàu bằng con đường khác như mình. Điều này khiến người đọc nghĩ rằng bạn quá đề cao thành công của mình.
Hơn nữa, bạn Danny lại đưa ra những so sánh về con số thu nhập có vẻ như với hàm ý coi thường những người có bằng cấp. Đáng lý ra bạn phải biết tôn trọng tất cả mọi người dù họ đang làm nghề gì và thành công bằng cách nào, kể cả những người có bằng cấp hay không có bằng cấp.
Phải chăng chính vì vậy mà có nhiều người đã phản ứng "bất bình" để rồi bây giờ bạn mới chợt hỏi (hay là than phiền), rằng: Muốn chia sẻ kinh nghiệm sao khó quá?
Cũng chẳng nên băn khoăn nhiều như thế bạn à! Chúc bạn đạt được mọi ước nguyện trong đời mình để có cơ hội giúp ích cho quê hương và những người có hoàn cảnh cần quan tâm, như bạn đã luôn nhắc đến. Sự thành công của bạn sẽ khiến mọi người thay đổi cách nhìn về bạn. Cố gắng nhiều hơn nữa bạn nhé và mong nhận thêm những bài viết thực sự chia sẻ của bạn trong tương lai.
Cám ơn diễn đàn VnExpress đã cho tôi cơ hội góp ý. Mong rằng bài này được phổ biến trên diễn đàn.
Cám ơn Ban Biên Tập.
Người viễn xứ

Đích đến dành cho mọi người trong xã hội Mỹ

(From: http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2011/01/3BA25225/ )  

Ở xã hội này, họ khuyến khích mọi người trau dồi văn hóa để nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần, cho nên tạo điều kiện rất tốt cho mọi người đến trường, không phân biệt già, trẻ, bé, lớn, miễn mình có chí là được. 

Tổng thống Obama ở "Door of No Return", Senegal, Châu Phi. Địa điểm biểu tượng cho thời kì buôn bán nô lệ châu Phi. Image: copyright by AP.

 

Thưa quý vị, cách đây vài tuần tôi có viết bài “20 năm, cuộc đời của tôi ở Mỹ”. Khác với dự kiến, trong thâm tâm cứ nghĩ sẽ có nhiều phản đối hơn vì tôi kinh nghiệm qua những bài viết của những người đi trước, nhưng con số này chỉ khoảng 10% mà thôi. Rất cám ơn tấm thịnh tình của quý vị gần xa đã chia sẻ ý kiến với bài viết. Và chính nó cũng động viên tôi nhiều trong bài viết ngày hôm nay.
Hôm nay, tôi muốn viết tiếp một chút cho bài viết hôm đó, hầu mong làm sáng tỏ thêm một số vấn đề đã và đang xảy ra ở Mỹ từng ngày. Dĩ nhiên một lần nữa, tôi xin chỉ mạn phép nói lên cảm nghĩ của riêng tôi và những người xung quanh mình mà tôi được biết. Chắc chắn là nó sẽ đúng với người này, nhưng ngược lại sẽ không đúng với người khác. Nhưng tựu chung thì dường như đó là phần đa số (cũng theo nhận định chủ quan của tôi).
Thưa quý vị, tại sao tôi lại đặt tên cho bài này là: “Đích đến dành cho mọi người trong xã hội Mỹ”? Vâng xin thưa đúng thế.
Bây giờ tôi xin được mạn phép phân tích dựa theo hai quan niệm sống mà hầu như đa số mọi người đang hoặc đã trong tình trạng đó:
1. Đối với người chịu tiếp bước con đường học vấn và lấy đó là hành trang cho mình trong quãng đời về sau này:
Thì hoàn toàn đúng đắn, vì ở xã hội này ngoài việc họ tạo cho mình mọi điều kiện ưu đãi để đến trường, như hỗ̉ trợ tài chính, cho mượn nợ (trả góp sau khi đã ra trường đi làm có thu nhập) với mức lãi suất rất thấp. Ngoài ra trong xã hội còn có rất nhiều công việc bán thời gian dành cho những người này để giúp họ sinh sống trong suốt thời gian đến trường.
Chưa hết. Về mặt học đường, có rất nhiều trường tạo mọi điều kiện cho con người ta tiếp cận được, bằng cách rộng mở ngày, đêm. Cho nên nếu ai đó vì kế sinh nhai phải làm việc ban ngày, thì vẫn được đến trường vào ban đêm và ngược lại. Song song với vấn đề đó, họ còn tạo điều kiện tốt là nếu quý vị muốn lấy bao nhiêu lớp cũng được (tính theo tín chỉ để ra trường). Nếu bạn mệt mỏi và không có thời gian nhiều vì phải làm việc nuôi thân, thì có thể lấy ít lớp lại, hoặc khỏe hơn thì lấy nhiều lớp và mau ra trường hơn. Tựu chung là không bắt buộc thời gian hạn định phải ra trường là bao lâu. Tất cả là do mình sắp xếp quỹ thời gian để hợp với thời khóa biểu của bản thân mình mà thôi, xã hội sẵn sàng làm theo ý con người mình mong muốn.
Thế thì rõ ràng ở xã hội này, họ khuyến khích mọi người nên trau dồi văn hóa để nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần, cho nên tạo mọi điều kiện rất tốt cho mọi người đến trường, không phân biệt già, trẻ, bé, lớn, miễn mình có chí là được. Và cũng chính vì thế mà không lạ, khi quý vị thấy rất nhiều người đã U40-50 thậm chí U60 hoặc lớn hơn vẫn cắp sách đến trường là chuyện rất đỗi bình thường ở đây.
2. Đối với những con người không có chí hướng bằng phần một ở trên (trường hợp tôi là điển hình), thì nếu cố gắng làm việc, tiết kiệm cũng sẽ đạt được thành quả nhất định trong một thời gian nhất định, cho dù rằng có thể chậm hơn vế trên (theo chủ quan nhận định của tôi). Lấy một ví dụ khá điển hình của một số không ít gia đình Việt Nam ở Mỹ, là nếu hai vợ chồng cùng đi làm với một mức lương bình thường trong một công việc bình thường, thì thông thường họ chỉ tiêu xài trong khoảng phần lương của một người cho mọi chi phí sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày (nếu biết tiết kiệm). Còn mức lương còn lại của người kia thì hoàn toàn dư ra để dành cho tương lai sau này. Ngay cả còn độc thân cũng thế, vẫn có thể dành dụm được so với thu nhập, cho dù rằng có hơi khó khăn hơn một chút. Thế thì sau một thời gian đủ lâu, họ vẫn có cơ ngơi vững chắc như thường.
Đây là trường hợp của tôi như đã trình bày trong bài viết trước. Thú thật tôi rất mắc cỡ khi có không ít người khen rằng: có ý chí tiến thủ, biết tận dụng điểm mạnh của mình để đi lên này nọ... Nhưng xin khẳng định với quý vị rằng, tôi chỉ là một người rất đỗi bình thường so với mọi người ở xã hội này. Có lẽ một quý vị đã phân tích đúng, khi nói rằng xã hội đã tạo cho con người ta bắt buộc phải như vậy không thể nào khác hơn, nếu như muốn tiến thân. Vâng, đúng thế! Họ (xã hội) sẵn sàng cho ta cần câu, sẵn sàng chỉ cho ta ao nào có cá. Thậm chí sẵn sàng cung cấp mồi câu và “nuôi” cả cá trong ao đó (tạo công ăn việc làm nhiều). Công việc của ta còn lại chỉ là siêng năng và nhẫn nại thả cần câu xuống để câu lấy cá cho cuộc sống hằng ngày và mai sau của mình mà thôi. Và cũng chính vì thế mà họ không chấp nhận thành phần người “cái bang”.
Tôi biết, nếu so với nhiều người quen biết, thì tôi đã là một con người chậm về “đích” hơn họ rất nhiều rồi, quý vị ạ.
Trong xã hội này, khi làm việc, nếu bản thân mình có khả năng, và cần cù thì sẽ được cất nhắc rất nhiều. Cho dù tạm bỏ qua không đề cập đến tình người ở đây đi chăng nữa, nhưng lý do vì sao con người ta lại được như vậy? Đơn giản đó là vì tính cạnh tranh trong kinh doanh rất khốc liệt, cho nên cấp trên hầu như “buộc lòng” phải làm vậy mà thôi, vì nếu không, họ sẽ chẳng giữ̉ được nhân viên tốt cho công ty. Để từ đó họ sẽ khó trụ lại trên thương trường trong xã hội này.
Nhưng nói đi thì phải nói lại. Đó là làm giàu ở Mỹ dễ hay khó? Xin khẳng định rằng, để có một cuộc sống ấm no, sung túc thì hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người. Nhưng nếu để làm giàu thì hoàn toàn khác hẳn. Có thể nói là rất, rất khó. Cái khó khăn ở đây không phải người ta gặp bất kỳ rào cản nào của xã hội. Mà cái khó ở đây đó là vì xã hội này là “đất của cơ hội” cho nên hội tụ rất nhiều thành phần ưu tú của tất cả các quốc gia trên thế giới cũng mong muốn vươn lên cho bản thân, gia đình họ. Cho nên để muốn “vượt mặt” họ là điều hoàn toàn không dễ dàng chút nào, và để làm được chuyện “vá trời” đó, mình phải có tất cả các kỹ năng của một người hoàn chỉnh: Tài giỏi - Siêng năng - Kèm một chút (rất ít) may mắn. Nếu đề cập đến vấn đề này, thì có lẽ một số quý vị cho rằng ở đâu cũng vậy, nếu muốn làm giàu, vươn lên trong xã hội thì cũng phải hội đủ các điều kiện trên. Đúng vậy, nhưng ở đây, nó lại rõ nét hơn rất nhiều quý vị ạ. Tôi đã thấy rất nhiều người cực giỏi, cực siêng năng, nếu so bản thân mình với họ.
Vì thế bản thân tôi rất nể phục những con người thành công này, vì không những họ giỏi giang, siêng năng, có cái nhìn xa hơn mọi người mà họ còn nói lên ý chí rất kiên cường của bản thân khi phải “đối đầu” với những cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống hằng ngày. Cho dù bất kể họ là thành phần nào của xã hội: Chủ nhà hàng, tiệm nails, tiệm giặt ủi, làm xây dựng, cắt cỏ...
Trở lại vấn đề của bài viết hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng: ở xã hội này, có thể ví điểm đến cho cuộc sống sung túc của mọi người như là “ánh sáng cuối đường hầm” vậy. Mà trong đường hầm đó có nhiều hướng đi để đến đích. Nếu mình giỏi hơn người khác thì sẽ có con đường ngắn hơn, còn ngược lại nếu mình chậm chạp hơn thì cũng vẫn sẽ đến được đích, nhưng một chút chông gai hơn và cần một chút yếu tố thời gian dài hơn để đến với nó. So ra, nói chung khi sống ở đây, con người ta có thể sẽ “đi chậm” từng bước, nhưng nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của mỗi con người chúng ta vậy. Nhưng nếu ai đó mong muốn sự vược trội hơn nữa để đến được “thiên đàng” (đằng sau “đường hầm”) thì là một phạm trù hoàn toàn khác hẳn. Cho nên không dễ dàng chút nào và tưởng cũng cần có một cái ngoặc kép ở đây một chút, đó là quan niệm “giàu có” của tôi chắc chắn sẽ khác với một số người đang sống trong xã hội khác vậy. Cũng như quan niệm sống “tiết kiệm” cũng thế, nó khác với quan niệm của ta thời xưa là chỉ ăn no, mặc ấm là đủ. Thay vào đó là đừng hoang phí quá độ mà thôi.
Người Mỹ có một câu nói mà tôi rất tâm đắc, xin được chia sẻ cùng quý vị, đại loại là: “Người có của ăn của để chưa chắc phải là người có thu nhập cao, mà bởi vì họ biết cách tiêu tiền một cách khôn ngoan”.
Cám ơn ban biên tập đã tạo cơ hội cho người Việt năm châu trao đổi kinh nghiệm bổ ích trong cuộc sống.
Xin trân trọng.
Lâm Trần

=================================================== 
 
Cuộc sống ở nước ngoài bắt đầu như thế nào?

( http://vnexpress.net/gl/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/2011/04/cuoc-song-o-nuoc-ngoai-bat-dau-nhu-the-nao/ )

Ngôn ngữ và chiếc xe là chìa khoá mở đầu cho cuộc sống nơi xứ người, ngày nào còn chưa có hai thứ này thì bạn sẽ còn bế tắc.

Trời đất hoang vu và bất định của Mỹ phản ảnh hình ảnh người Mỹ nghĩ về mình: chủ nghĩa cá nhân không bị cản trở.
Sau bài viết "Người Việt sống khoẻ ở Houston", tôi nhận được nhiều thư hỏi thăm. Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu về đời sống hiện tại ở Mỹ nói chung và Houston nói riêng rất cao, do đó dựa theo một số thắc mắc của bạn đọc, tôi cố gắng tìm tài liệu để viết tiếp bài này.
Tuy rằng nội dung bài viết cũng chẳng có gì cao xa, to lớn như những bí quyết làm giàu, chỉ là một phần kiến thức nhỏ nhoi, nhưng có lẽ cần thiết với một số người đã hay đang có ý định qua đất nước này sinh sống.
Những năm đầu (75-85), phần lớn người Việt Nam khi tới Mỹ đều được hội đoàn hay nhà thờ đứng ra bảo lãnh hỗ trợ, cũng như được hưởng quy chế khá cao, nhất là những gia đình có con em nhỏ dưới 18 tuổi. Khi đó họ chẳng cần phải lo lắng, cứ từ từ tìm hiểu, học hỏi để hội nhập, mọi thứ đã có chính phủ lo. Đến từ một đất nước nghèo, nhu cầu vật chất cuộc sống còn ở mức tối thiểu, nên ai cũng hài lòng với hiện tại, nhất là thời điểm đó, nhìn quanh người Việt ai cũng nghèo như nhau, chẳng ai giàu hơn ai để so sánh.
Đời sống ở đâu cũng vậy, phải đi làm mới có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa nhu cầu vật chất theo cuộc sống ngày càng lên cao.
Ngày mới qua, chỉ ao ước có nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng khát vọng con người là thăng tiến, người Việt cũng không ngoại lệ, nên sau nhiều năm hội nhập, cuộc sống người Việt ở hải ngoại đã không còn cách biệt với người bản xứ, hay có thể có phần trội hơn. Vì người Việt vốn rất kiên trì chịu khó, cũng như bỏ công bỏ của nhiều để đầu tư cho học vấn con cái, nên sau nhiều năm, thành quả của họ có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, phải nói là đáng ngưỡng mộ.
Còn thành phần mới qua định cư sau này, hầu hết là ra đi theo quy chế di dân, cá nhân bảo lãnh, như cha mẹ bảo lãnh cho con, anh em bảo lãnh cho nhau, chồng bảo lãnh vợ, do vậy điều kiện vật chất, thời gian hỗ trợ giúp đỡ có phần hạn chế hơn nhiều.
Đồng thời, vào thời điểm hiện tại, cuộc sống ở Việt Nam đã cải thiện hơn xưa. Có những bạn đang có cuộc sống tốt, có nhà (do cha mẹ để lại), có việc làm ổn định, hàng tháng (hay thỉnh thoảng) được thân nhân nước ngoài hỗ trợ một vài trăm đô la, có thể rất giàu hoặc không giàu, nhưng chí ít cũng có cuộc sống ung dung. Do đó có ước vọng rằng đi ra nước ngoài để có cuộc sống dễ dàng hơn, nhất là một cường quốc như nước Mỹ, và điển hình là thấy Việt kiều hải ngoại nhiều người thênh thang áo gấm về làng.
Với suy nghĩ như vậy, nên không ít người qua tới đây, thiếu kiến thức tối thiểu của cuộc sống hải ngoại, khi đối diện với khó khăn không lường trước đã không thích ứng được, dẫn đến suy sụp tinh thần, bất đắc chí, than thân trách phận, có khi oán trách cả người đã bảo trợ họ sang, vì sao giàu thế mà không lo cho họ một cuộc sống như họ muốn. Thành ra cả người bảo trợ lẫn người được bảo trợ đã lâm vào cảnh khó khăn bứt rứt, tiến thoái lưỡng nan, sứt mẻ tình cảm.
Ở bài viết này, tôi xin đưa ra những bước bắt buộc phải có của cuộc sống mới, mà bạn cần phải vượt qua, nếu muốn tái định cư ở một đất nước xa lạ, mọi thứ từ ngôn ngữ cũng như cách sống hoàn toàn khác biệt.
Sau khi đặt chân đến xứ Mỹ, người thân (người bảo trợ) sẽ mất vài ngày đưa bạn đi làm giấy tờ, hợp thức hoá cần thiết cho cuộc sống ở Mỹ, như thẻ căn cước, thẻ y tế, xin nhập học cho bọn trẻ.
Dưới đây là những quyền lợi bạn được hưỡng từ chính phủ:
- Các cháu dưới 18 tuổi sẽ vào học trường tiểu học và trung học gần nhà. Có xe bus đưa rước đi về hai bận, ăn trưa miễn phí ở trường. Có thể được cho vào lớp đặc biệt thời gian đầu để củng cố Anh ngữ. (Nhớ đem theo đầy đủ học bạ ở bên Việt Nam, và cần dịch sang tiếng Anh)
- Các cháu trên 18 tuổi có thể ghi danh nhập học ở trường cao đẳng địa phương với tên gọi là Community College. Ở đó bạn có thể học tiếng Anh và chọn một nghề nào đó làm kế sinh sống trong tương lai. Tùy theo sở thích và trình độ, bạn có thể chuyển tiếp lên trường đại học 4 năm để lấy bằng cử nhân.
Nếu bạn không có thu nhập, hoặc thu nhập thấp, thì tất cả miễn phí. Hầu hết ai cũng được chính phủ tài trợ (xin học bổng), đây là quyền lợi chung cho mọi công dân Mỹ.
Ngoài tiền học phí, sách vở do chính phủ giúp, miễn hoàn trả, nếu đủ điều kiện, bạn có thể nộp đơn vay tiền từ chính phủ, giúp hỗ trợ sinh sống để có thể học toàn thời gian.
- Con nít dưới 18 tuổi, người già trên 65 tuổi được trợ cấp y tế toàn phần của chính phủ (medicaid), và còn có thể xin thêm được food stamps (trợ cấp thực phẩm).
- Những người trên 18 tuổi hoặc dưới 65 tuổi, thu nhập thấp sẽ xin được trợ cấp y tế bán phần của chính phủ, như ở Texas có chương trình Gold card mà người Việt mình hay gọi là thẻ vàng. Mỗi tiểu bang có những chương trình và tên gọi khác nhau. (Những người mới nhập cư, hầu hết đủ điều kiện được hưởng vì chưa có thu nhập).
Người bảo trợ, hoặc cho gia đình bạn ở tạm nhà họ một thời gian ngắn cho đỡ tốn kém, hoặc tìm mướn dùm bạn một căn nhà (mắc rẻ tùy theo khả năng) và từ đây sẽ bắt đầu hành trình gian khổ, tự túc tự cường của chính bạn.
Nếu bạn có vốn mang theo, có tiền sống một thời gian không đến nỗi quẫn bách, thì lúc này bạn nên tranh thủ học tiếng Anh, cho dù không cần nhiều, nhưng ít nhất nghe được, nói được chút ít để kiếm việc làm, vì chẳng lẽ họ mướn bạn vào làm, còn phải mướn thêm người thông dịch?
Một điều cấp bách khác là phải học lái xe. Nhờ người thân kiếm mua một chiếc xe, mới cũ mắc rẻ tùy khả năng. Đây là chuyện bắt buộc (nếu không có tiền, bạn cũng phải thương lượng với người thân để hỏi mượn, sau này sẽ hoàn trả). Quỹ thời gian ở nước ngoài rất eo hẹp, không ai có thể đưa đón bạn mỗi ngày đi và về.
Ngôn ngữ và chiếc xe là chìa khoá mở đầu cho cuộc sống, ngày nào còn chưa có hai thứ này thì bạn sẽ còn bế tắc.
Trường hợp bạn không có tiền mang theo, nghĩa là vô sản, thì không thể chần chờ. Bạn phải chấp nhận bất cứ việc làm nào (đương nhiên là lương thiện), dù là những việc làm tay chân nặng nhọc, những việc không cần chất xám, để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Người bảo trợ, họ có thể tự nguyện giúp bạn thời gian đầu trong khả năng, nhưng họ không có bổn phận phải nuôi bạn và gia đình bạn. Hoặc dù họ có muốn, đôi khi cũng không đủ khả năng, vì số phí này không phải là con số nhỏ.
Còn việc làm ở xứ người trong trường hợp bạn là người mới ở đất nước này sẽ như thế nào? Cũng không khó hiểu, này nhé:
Cứ tưởng tượng, một người mới nhập cư đi xin việc làm: không nói, không nghe được chủ muốn nói gì, kinh nghiệm nghề nghiệp không có, đôi khi cũng đã có tuổi, sức khoẻ không còn sung mãn... Tất cả là con số không, không khác đứa bé còn đang chập chững tập đi, thì bạn sẽ làm được những gì, ngoài những việc không ai muốn làm mới tới tay mình.
Vậy thì sao? Có hai trường hợp:
1. Bạn là người năng động, tự tin:
Tôi chấp nhận vì tôi biết, với tôi đây chỉ là tạm thời. Một thời gian nữa, khi quen cuộc sống ở đây, rành đường xá, tiếng Anh giỏi, tôi sẽ tìm một việc làm khá hơn, hợp với khả năng hơn.
Với tôi, đều quan trọng hơn cả là môi trường, điều kiện sống tốt cho tương lai, sự phát triển của các con. Tôi tin với khả năng của mình, tôi chấp nhận dấn thân.
2. Bạn không chấp nhận được thực tại:
- Lỡ ôm một ảo mộng thiên đường.
- Từng nghe cuộc sống bên Mỹ vất vả, mà không hình dung được tới mức này.
- Ở Việt Nam tôi sướng gấp mấy lần, công việc cũ nhàn hạ, có nhân viên, tội gì. Tiếng là qua Mỹ mà tôi phải làm những chuyện nặng nhọc, như làm tiệm phở, làm chợ, giữ con nít.
- Nhìn chung quanh, thấy người qua trước giàu có, trong khi tôi phải làm việc tay chân như thế này, thật là mất mặt, biết vậy tôi không đi.
Hay thậm chí có bạn nằng nặc đòi quay về Việt Nam! Đó là những trường hợp tôi thấy đang xảy ra rất nhiều.
Mỗi lần quyết định đi hay ở đều không phải chuyện đơn giản. Ngoài chuyện tốn kém tiền bạc, thời giờ, còn có nỗ lực tình cảm của nhiều người thân. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi chỉ có mục đích phần nào giúp cho bạn hiểu rõ con đường trước mặt, để có một quyết định sáng suốt nhất.
Những người Việt tha hương từ nhiều năm trước, họ không có chọn lựa nên dù thế nào cũng cắn răng dấn thân, kiên quyết đạp đổ mọi trở ngại. Nhờ vậy, có thể nói gian khổ họ trải qua, nhất là tinh thần, gấp vạn lần hoàn cảnh hiện tại của các bạn, nhưng họ đã vượt qua và thành công.
Còn hiện tại, bạn có lợi thế hơn nhiều. Bạn có người thân bên cạnh hướng dẫn trong cuộc sống mới, có chút tiền mang theo. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã vững mạnh. Về tinh thần, bớt được nhiều cảm giác bơ vơ lạc lõng. Tuy nhiên, thời nào cũng có những việc bạn phải tự làm. Đó là nỗ lực phấn đấu, việc này không ai có thể làm thay thế bạn được.
Tôi hy vọng những thành quả giàu sang của người đi trước sẽ là động lực cho bạn dấn thân, chứ đừng lấy đó so sánh, phân bì để rồi thay vì dấn thân tiến bước, bạn trở thành thất chí, than thân trách phận, dùng ánh mắt cay đắng nhìn đời.
Tôi đã chứng kiến không ít người là nạn nhân của nhân sinh quan sai lầm này. Hãy nhớ những người thành công hiện giờ, họ cũng phải trải qua một thời gian dài phấn đấu, không khác gì bạn bây giờ. Hay có khi còn khổ hơn bạn bây giờ nữa.
Còn nếu bạn đọc xong bài viết này, đã có chút khái niệm, thấy rằng hoàn cảnh mình ở Việt Nam tốt hơn, thì tôi khuyên bạn nên ở lại nước mình, đừng đi làm chi cho phí thì giờ, tốn tiền và tốn công người bảo trợ.
Nước Mỹ chưa bao giờ tự phong đất nước này là thiên đường, chỉ là từ những cảm nhận của một đại đa số nào đó, ưu ái mến tặng cho nó mà thôi. Thiên đường hay địa ngục là do từng trường hợp cá nhân, đừng thần thánh hoá quá, để rồi thất vọng.
Theo quan điểm của riêng tôi, đất Mỹ không là thiên đường một cách huyễn hoặc, xa xôi. Đất Mỹ cũng có ưu, có khuyết, và nhiều mặt tầm thường như mọi nước khác. Có đều tôi có thể khẳng định, nơi chốn này cho bạn và nhất là giới trẻ rất nhiều cơ hội để tiến thân. Chỉ là bạn có chịu nắm lấy hay không mà thôi!
Tôi biết bài viết này chỉ đúng trong một phạm vi nhỏ nào đó, không phản ánh được tất cả. Nếu không phải trong trường hợp mình, cứ xem như đọc một chuyện tầm phào. Cám ơn bạn.

Quinhon11

================================================

Vì sao người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài?
( Nguồn: www.vef.vn )

Phần 1.
Từ 5 năm nay, việc di cư ra nước ngoài của những người giàu Trung Quốc (TQ) đã không chỉ là hiện tượng mà còn trở thành một xu thế. Họ ra đi vì lý do gì? Kinh tế, môi sinh hay còn những nguyên do ẩn giấu nào khác?

"Hố đen" phân cách giàu nghèo
Vào tháng 10/2009, những người giàu nhất của TQ đã được thống kê thành nhóm "10". Trong số 10 đại gia có tài sản trên 4 tỷ USD ấy, có đến 7 người kinh doanh các lĩnh vực tài chính và bất động sản. Chỉ có ba đại gia khác thuộc về các ngành ôtô, linh kiện điện thoại, nhôm.
Gần một năm sau, vào tháng 8/2010, Tập đoàn tài chính Credit Suisse của Thụy Sỹ đã trở thành tổ chức phân tích độc lập đầu tiên nêu ra thực trạng về "quỹ đen" của giới thượng lưu Trung Hoa. Theo một nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ này, các hộ gia đình Trung Quốc đã che giấu khoảng 9.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) không được công bố trong báo cáo thu nhập cá nhân. Số tiền khổng lồ này, chủ yếu bất hợp pháp hoặc hợp pháp nửa vời, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn đất nước TQ.
Credit Suisse cũng nhận định rằng hầu hết tài sản ngầm nằm trong túi các gia đình giàu, với nhóm 20% dân số giàu nhất sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD. Lần đầu tiên, thế giới được biết đến TQ bằng vào một sắc mặt khác: tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đã được đẩy lên rất cao.
Sau báo cáo của Credit Suisse, không thấy phía TQ có phản ứng gì khác thường. Tuy nhiên giới phân tích kinh tế và chính trị đã cho rằng chắc chắn chính quyền TQ phải lưu tâm đến hiện tượng ngày càng xuất hiện nhiều người trở nên giàu có đột biến ở quốc gia này. Đó không chỉ là sự khác biệt quá lớn về thu nhập giữa người giàu và người nghèo mà người ta vẫn thường gọi là bất công kinh tế, mà còn dẫn đến sự bất công và ức chế xã hội - một hệ quả đương nhiên khi tồn tại hiện tượng "quỹ đen" như ở TQ.
Sự phân hóa về thu nhập ở TQ càng được minh chứng bởi một hiện tượng đáng suy ngẫm: sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, bất chấp những hậu quả nặng nề mà nước Mỹ và châu Âu phải gánh chịu, con số tỷ phú của TQ đã tăng lên 130 người; và cho đến thời điểm tháng 10/2009, người ta ước tính con số này có thể vượt gấp đôi, tức 260 người. Với con số này, TQ đã trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ (359 tỷ phú) về số lượng tỷ phú đô la, cao hơn cả Nga (32 tỷ phú) và Ấn Độ (24 tỷ phú).
Vào năm 2009, một tổ chức phân tích độc lập là Hurun Report cũng đã ước tính tổng tài sản của 1.000 người giàu nhất TQ trị giá đến 571 tỷ USD, tăng 130 tỷ USD so với năm 2008; tài sản trung bình của các thành viên trong danh sách 1.000 đạt 571 triệu USD, tăng gần một phần ba so với năm 2008. So với hồi 2004, số lượng những người có tài sản trên 150 triệu USD vào năm 2009 tăng gấp 10 lần.
Hiện trạng trên cũng là căn cứ để Credit Suisse khẳng định thêm một sự thật khác rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010).
Còn trước đó vào năm 2008, cũng Cục thống kê Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ phân cách có 9 lần, trong khi một cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách TQ đã cho thấy khoảng cách này lên đến 25 lần.

Những tỷ phú đô la làm giàu bằng cách nào?
Rõ ràng đã có một sự khác biệt quá lớn giữa báo cáo chính thức của các cơ quan chính phủ với hiện thực sống động, hay nói cách khác là những con số công khai của chính quyền chỉ đi sau con số điều tra độc lập, chỉ thừa nhận thực trạng phân hóa sau một khoảng thời gian đủ dài nhưng không đủ để che giấu. Hiện thực sống động như thế cũng hoàn toàn đáng để phân tích trên con đường tìm ra nguyên nhân của hiện tượng tăng vọt số lượng tỷ phú đô la của TQ. Chỉ có thể lý giải hiện tượng này bằng những con sóng phục hồi chứng khoán vào năm 2009 và phục hồi thị trường bất động sản từ năm 2009-2010.
Trong sóng tăng chứng khoán vào năm 2009, thị trường chứng khoán TQ đã phục hồi gấp hơn hai lần so với đáy khủng hoảng. Thật dễ làm một phép tính cho các đại gia khuynh đảo thị trường này, khi vốn đầu tư của họ bỏ vào thị trường chứng khoán đã tăng ít nhất 4 lần.
Sau đó, cũng những đại gia này rút vốn và lãi từ thị trường chứng khoán để chuyển qua thị trường bất động sản và đã thu được lợi suất ít nhất 3 lần nữa. Tổng cộng, sau hai sóng tăng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, những doanh nhân tác chiến trên cả hai mặt trận này đã đạt được tỷ suất lợi nhuận đến 12 lần!
Với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ trên, không một quốc gia phát triển nào có thể so sánh với tốc độ làm giàu như người TQ. Đó cũng là cách để các đại gia TQ phát triển tài sản của họ theo cấp số nhân, lý giải cho sự xuất hiện quá nhiều tỷ phú đô la ở đất nước này chỉ trong một thời gian ngắn, trong lúc đại đa số người dân TQ còn lao đao trước hậu quả chưa thuyên giảm của cơn bão suy thoái tài chính thế giới và nhiều khó khăn kinh tế trong nước.
Lòng yêu nước?
Hiện tượng giàu đột biến ở TQ cũng kéo theo một hiện tượng xã hội ở quốc gia này: nhiều người nghèo đã công khai chỉ trích lớp người thượng lưu muốn rời khỏi TQ là "không có lòng yêu nước".
Lòng yêu nước là một phạm trù nổi bật của người Trung Hoa. Nhiều thế kỷ qua, cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới đã chứng tỏ được tính đoàn kết và tính dân tộc của họ, làm nên một trong những đặc trưng nhân văn nổi bật nhất của người TQ.
Vào năm 1997, khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho TQ, khá nhiều doanh nhân người Hoa đã rời khỏi Hồng Kông để định cư ở các nước khác. Nhưng sau đó, một số trong đó đã trở về Hồng Kông làm ăn và sinh sống, đóng góp cho khu vực này nguồn kinh tế không nhỏ.
Song giờ đây lại đang diễn ra xu hướng gần như ngược lại. Những người giàu có hiện nay của TQ có nhiều lý do để tìm đường ra nước ngoài. Đầu tiên luôn là việc họ muốn tìm kiếm cho con cái của họ những môi trường giáo dục hoàn thiện. Mỹ, Canada và cả Anh đều là những nơi tập trung những trường đại học tốt nhất thế giới.
Một công ty tư vấn có tên là Bain đã nghiên cứu về nguyên nhân này. Theo thống kê của Bain, hàng năm lượng du học sinh TQ sang các nước phương Tây tăng hơn 20%. Bain cũng ước tính có khoảng 230.000 học sinh TQ đang học tập ở nước ngoài.
Mỹ, Canada và cả Anh cũng là những khu vực có điều kiện sống khá hoàn mỹ, bao gồm hệ thống luật pháp, chế độ an sinh và chính sách môi sinh - nơi những người giàu được hưởng thụ và an nhàn về cuối đời.
Tạm gác lại phần dân tộc tính, rõ ràng trong con mắt người giàu TQ, môi trường sống ở TQ không thể so sánh được với nhiều quốc gia có truyền thống phát triển trên thế giới. Viện Gallop - một tổ chức chức nghiên cứu của Mỹ - trong một bản nghiên cứu đã đánh giá phần lớn người TQ cảm thấy bất an ngay cả khi quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn Mỹ và Tây Âu.
Khi được lựa chọn giữa các tiêu chí "phát đạt", "sống chật vật" và "khốn khổ' để phác họa về tình cảnh của mình, chỉ 12% người TQ thiên về "phát đạt", trong khi có đến 17% "khốn khổ" và 71% "sống chật vật". Theo Viện Gallop, những biểu trưng kinh tế - xã hội như vậy cho thấy dường như việc cảm thấy "không hạnh phúc" cũng là một nguyên nhân khiến người giàu TQ di cư ra nước ngoài.
Nhưng những nguyên do trên có phải đã là tất cả? Nếu so sánh về cơ hội đầu tư thì hiển nhiên tại TQ, các đại gia vẫn có nhiều cơ hội hơn hẳn các nước phát triển để tìm ra tỷ suất lợi nhuận vài ba lần. Những cơ hội đó luôn tiềm ẩn trong đặc tính đầu cơ của những thị trường "hoang dã" vào thời kỳ đầu của tư bản chủ nghĩa, nơi mà hệ thống luật pháp luôn chịu sự chi phối nặng nề của sự lũng đoạn từ các nhóm đầu cơ. Nhưng ở một khía cạnh khác, việc những người giàu TQ đã chấp nhận đánh đổi môi trường nhiều cơ hội lấy môi trường đầu tư ít cơ hội hơn hẳn cũng có nghĩa là về tâm trạng và tâm lý, họ muốn "rửa tay gác kiếm" sau khi đã cảm thấy đủ nhiều tiền và đủ trải nghiệm về rủi ro trong kinh doanh.

"Nước nghèo giàu có"
Rất có thể, trạng thái "không hạnh phúc" về môi sinh cũng ứng với tâm lý nhiều đại gia trong môi trường kinh doanh ở TQ. Mặc dù đó là một môi trường dễ tạo sóng đầu cơ và lợi nhuận, dễ thực hiện hoạt động kiếm lợi bất hợp pháp hơn hẳn ở Mỹ và Tây Âu, nhưng rủi ro cũng lớn không kém và luôn đi kèm.
Một số phóng viên báo chí phương Tây đã ghi nhận không chỉ một lần tâm trạng mệt mỏi của những thương gia TQ về sự chênh vênh của hệ thống luật pháp kinh tế. Hơn thế nữa, giới kinh doanh TQ, đặc biệt là những người giàu nhất, luôn mang một nỗi lo sợ mơ hồ về tương lai "cào bằng", khi có thể xảy ra những biến động xã hội và chính trị, dẫn tới chính sách phân phối lại thu nhập.
Đã từng có tiền lệ về sự phân phối lại về thu nhập vào thời Mao Trạch Đông, khi giới tư sản bị tước đoạt tài sản để dùng cho việc công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều thế kỷ trước ở TQ cũng xảy ra không ít lần "hồi tố" như thế. Vì vậy, không có gì bảo đảm mọi sự sẽ bất biến ở đất nước TQ.
Tâm thế đó càng trở nên ám ảnh khi hố phân cách giàu nghèo quá lớn ở TQ đang dẫn đến thái độ được coi là "thù địch" của người nghèo đối với người giàu. Gần đây đã xuất hiện một khái niệm mới của giới phân tích phương Tây: TQ là một "nước nghèo giàu có" đầu tiên trên thế giới, được minh chứng bởi tình trạng người dân thì nghèo nhưng tổng khối lượng kinh tế của cả nước thì lại rất giàu.
Thực tế là tại nhiều vùng xa thành thị ở TQ, mặt bằng thu nhập bình quân của người dân vẫn còn rất thấp, những điều kiện sống và môi trường giáo dục, y tế, đi lại không được đảm bảo so với tất cả những gì tốt nhất mà giới giàu có được hưởng. Chính vì thế, làn sóng người nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ và tất nhiên cũng gây ra nhiều rắc rối cho chính quyền sở tại.
Trong khi đó, giới có thu nhập trung bình ở TQ vẫn không thể mơ tưởng đến một căn hộ dù là giá bình dân, vì sau đợt tăng bất động sản năm 2009-2010, cho đến nay sự thật đơn giản là bong bóng bất động sản TQ vẫn chưa chịu nổ. Sự xì hơi chậm chạp của nó, được chứng minh bởi chỉ có 9/70 thành phố có giá nhà đất giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã làm dấy lên sự công phẫn từ tầng lớp bình dân đối với giới đại gia địa ốc của nước này.
 
Người giàu Trung Quốc di cư thông qua đầu tư
Phần 2.
Từ 5 năm nay, việc di cư ra nước ngoài của những người giàu Trung Quốc (TQ) đã không chỉ là hiện tượng mà còn trở thành một xu thế. Họ ra đi vì lý do gì? Kinh tế, mưu sinh hay còn những nguyên do ẩn giấu nào khác? Mời độc giả đọc tiếp phần 2 của bài viết "Vì sao người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài"?.
LTS: Ở phần 1, TS. Phạm Chí Dũng đã trình bày bức tranh tổng quát về tầng lớp giàu có ở Trung Quốc và trào lưu di cư ra nước ngoài của một bộ phận giới siêu giàu này.


Những nguyên nhân ẩn giấu
Trong quốc gia "nước nghèo giàu có", rất nhiều người dân bị mất đất vào tay các doanh nghiệp bất động sản đã phải chứng kiến đất đai của họ bị thổi giá lên đến hàng chục lần so với giá đền bù. Đó cũng là điều mà Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo đã phải công khai thừa nhận là "sự oán giận của người dân". Do đó không có gì ngạc nhiên khi liên tiếp trong những tháng gần đây, tại TQ đã xảy ra hàng loạt vụ biểu tình của người dân khiếu kiện đất đai, của giới sinh viên ở Nội Mông, của người nhập cư ở Quảng Châu và Quảng Đông, kể cả những vụ đánh bom vào các cơ quan công quyền ở Thiên Tân.
Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng căn cứ vào hiện tượng ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ "biến" ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi.
Một điểm trùng hợp cũng cần ghi nhận là tỷ lệ "quỹ đen" của giới nhà giàu TQ chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này - cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách TQ đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD). Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước.
Mới đây, hãng truyền thông BBC đã dẫn một bản báo cáo được công bố của Ngân hàng trung ương TQ về việc các quan tham TQ đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan. Cùng với sự bốc hơi tài chính là sự bốc hơi về con người khi có đến 16.000 - 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi TQ.
"Đầu tư thông qua di cư"
Cần nhắc lại, việc người giàu TQ di cư ra nước ngoài đã trở thành một hiện tượng xã hội từ năm 2006-2007. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, hiện tượng này tạm lắng đi. Nhưng sang năm 2009 và đến giữa năm 2010, giới giàu có TQ đã công khai bàn tán chuyện chỉ mất nửa triệu USD để có một tấm thẻ xanh ở Mỹ hay Canada. Trên diễn đàn mạng cũng sôi nổi hiện tượng nhiều ngôi sao giải trí của TQ như Lý Liên Kiệt, Trần Khải Ca, Củng Lợi, Tưởng Đại Vi, Triệu Vi lần lượt chọn bến đỗ tại Mỹ, Canada hay Singapore.

Vào tháng 5/2011, một cuộc điều ra của công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu TQ mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD. Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Theo Bain, càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.
Còn tờ Wall Street Journal của Mỹ nhận định, sự phân cực giàu nghèo tại TQ không chỉ đe dọa đến sự ổn định xã hội ở quốc gia này, mà hơn thế, nếu những người giàu chuyển tài sản của họ ra bên ngoài, hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có khả năng bị tác động dữ dội.
Việc chính phủ TQ lo lắng đến hệ quả "chảy máu tài sản" là hoàn toàn có cơ sở. Trong giới doanh nhân TQ, đã xuất hiện quan niệm cho rằng đầu tư vào bất động sản không hấp dẫn bằng hình thức "di cư thông qua đầu tư". Có lẽ đây là một quan niệm và cũng là một phương thức mới mà chỉ xuất hiện ở một ít quốc gia trên thế giới như TQ. Như để chứng minh cho phương thức này, trang mạng của TQ Caixin online chuyên về tài chính đã thống kê tổng đầu tư ra nước ngoài của tư nhân TQ đã tăng mạnh hàng năm 100% trong giai đoạn 2008-2010, và số người TQ sử dụng đầu tư để di cư sang Mỹ đã tăng 73% trong vòng 5 năm từ 2006 đến 2010.
Đã khá rõ là những người đã kiếm bộn tiền từ việc khai thác thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ở TQ đã không còn nhìn thấy tiềm năng của miền đất này nữa. Đó là một thực tế mà bất cứ nhà đầu cơ nào cũng đều nhận ra là việc tạo sóng tăng cho một thị trường đang ở đỉnh cao khó hơn nhiều so với một thị trường ở vùng đáy.
Mà cả hai thị tường chứng khoán và thị trường bất động sản ở TQ hiện đều dao động tại vùng đỉnh. Trong trường hợp nền kinh tế TQ tốt đẹp và kinh tế thế giới ổn định, hai thị trường này có thể tiếp tục được giữ ngang hoặc "bò" dần lên theo kiểu Mỹ. Nhưng cái cách vận động thị trường như thế lại hoàn toàn không hấp dẫn đối với giới đầu cơ cá mập. Với họ, thị trường luôn phải có sóng, tức luôn phải có những khoảng dao động lên xuống rất mạnh thì nguồn lợi nhuận mới sinh sôi nảy nở mạnh được.
Cũng bởi thế, dường như giới nhà giàu TQ đang dự tính đến những tương lai sâu xa hơn. Dòng tiền nóng đã từng được đổ vào TQ nhiều tháng trước đây, nay hình như không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Mà thậm chí ngược lại, có vẻ như dòng tiền nóng đang chuyển động ngược từ TQ ra những thị trường mới nổi ở các nước khác trong khu vực. Kể cả những thị trường bất động sản đã "nằm' quá lâu như Mỹ và Anh cũng là nơi thu hút dòng tiền đầu tư, đầu cơ của những người giàu TQ. Từ đó, khá dễ hiểu là phương thức "đầu tư thông qua di cư" đang được hợp thức hóa và có khá đủ cơ sở biện minh cho sự dịch chuyển của dòng tiền và người sở hữu tiền từ TQ ra nước ngoài.

Giàu cho tương lai bất ổn?
Vậy trong bối cảnh dòng tiền chạy dần ra nước ngoài, tình hình kinh tế trong nước sẽ ra sao? Trước mắt, TQ vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới về GDP. Nhưng như đã đề cập, TQ là một dạng "nước nghèo giàu có" mà dễ làm cho người ta hình dung ra trạng thái bong bóng tài sản. Bong bóng đó không chỉ tồn tại ở mặt bằng giá nhà đất đã tăng quá cao tại 70 thành phố lớn của TQ, mà còn liên quan đến hệ thống ngân hàng - nơi có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc với các khoản vay mượn khổng lồ.
Trong bối cảnh giá nhà đất tại TQ chỉ giảm nhẹ như 6 tháng đầu năm 2011, chuyện bong bóng bất động sản vẫn còn treo ở đó và chưa thể khẳng định là nó sẽ bùng vỡ ngay được. Nhưng nếu như điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng, không ai có thể đảm bảo là bong bóng bất động sản chỉ xì hơi.
Mà có thể là một cú lao dốc thẳng đứng của giá nhà đất. Tháng 5/2011, lạm phát ở TQ đã đột biến đến trên 5% - một con số khó hình dung và làm rất nhiều người dân ở đất nước này bất ngờ. Những tín hiệu thoái trào đầu tiên đang xuất hiện.
Một sự việc đáng chú ý trong thời gian gần đây là Tổ chức đánh giá độc lập Fitch đã dự báo có đến 60% khả năng TQ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013. Tất nhiên Fitch phải xác lập những cơ sở tối thiểu và cũng phải chịu trách nhiệm cho dự báo này. Chúng ta cũng có thể liên tưởng ngay đến hệ thống doanh nghiệp bất động sản với quá nhiều căn hộ còn tồn kho và những món vay dài hạn.
Với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, TQ cũng đương nhiên phải chịu những tác động ngược nếu Mỹ và châu Âu không thể dàn xếp ổn thỏa vấn đề nợ công xuyên lục địa. Khi đó, hiển nhiên sự khó khăn của hệ thống ngân hàng TQ cũng kéo theo tình cảnh ngân hàng phải siết nợ hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thiếu khả năng thanh toán. Cũng khi đó, vốn đã tích tụ sẵn nhiều mầm mống về bất công thu nhập và bất công xã hội, hậu quả về kinh tế hoàn toàn có thể trở thành giọt nước tràn ly đối với tầng lớp người nghèo ở TQ.

Còn người giàu Việt Nam?
Cuối cùng và ngẫm lại, những vấn đề của TQ cũng chẳng mấy xa xôi với Việt Nam. Cũng là vấn đề và hệ quả của các thị trường chứng khoán, bất động sản. Và cả người giàu...
Có thể việc so sánh người giàu của Việt Nam với TQ là khập khiễng, vì TQ có đến 260 tỷ phú đô la và GDP đạt đến 6.000 tỷ USD năm 2010, trong khi GDP của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/60 lần TQ và cũng chưa có tỷ phú đô la nào. Thế nhưng nếu như những người giàu nhất TQ có tài sản bình quân khoảng 4-5 tỷ USD, thì những người giàu nhất Việt Nam lại có tài sản không phải bằng 1/60 của con số 4-5 tỷ USD ấy, mà từ 400-500 triệu USD, tức chỉ bằng 1/10 TQ mà thôi.
Sự so sánh trên cho thấy người giàu Việt Nam mới giàu đến thế nào, trong hoàn cảnh một đất nước vẫn còn trên 10% hộ nghèo. Tương tự như cách thức làm giàu của các đại gia TQ, ở Việt Nam chỉ cần trải qua vài mùa sóng chứng khoán và bất động sản là những đại gia Việt đã nhân tài sản của mình lên hàng chục lần.
Liệu đã cần lo ngại rằng, tới một lúc nào đó, giới siêu giàu Việt Nam có thể tuồn tiền ra nước ngoài theo hình thức "di dân thông qua đầu tư"?

---------------- NHỮNG Ý KIẾN --------------------


Rất hay. Đây là 1 trong những bài viết hiếm hoi đăng trên VEF mà tôi thấy tâm đắc về TQ, đặc biệt nhất là câu "Những cơ hội đó luôn tiềm ẩn trong đặc tính đầu cơ của những thị trường "hoang dã" vào thời kỳ đầu của tư bản chủ nghĩa, nơi mà hệ thống luật pháp luôn chịu sự chi phối nặng nề của sự lũng đoạn từ các nhóm đầu cơ". Thật chính xác đến từng từ. Với những nền kinh tế thiếu vắng sự nghiêm minh, chặt chẽ và khoa học của luật pháp như VN, TQ, đầu cơ là cách kinh doanh nhanh làm giàu nhất. Phần lớn thu nhập của xã hội rơi vào túi các nhóm lợi ích, vốn đầu tư chạy lòng vòng trong các thị trường "sơ khai" (thị trường tài chính, chứng khoán và bất động sản) tạo nên sự tăng giá giả tạo.

TQ tăng trưởng "nóng" nhưng GDP tăng chậm, VN mất cân đối kinh tế toàn diện chính là vì nguyên nhân này. Không chống được đầu cơ (luôn gắn liền với tham nhũng và thiếu minh bạch) thì kinh tế vẫn mãi mãi chạy theo vòng lẩn quẩn tăng trưởng-lạm phát-tăng trưởng-lạm phát-........Bài viết trên thể hiện 1 tầm nhìn bao quát và xuyên suốt, gần gũi với các tham luận về chính trị và kinh tế chính trị học. Có lẽ các "chiên gia" kinh tế VN cũng nên tham khảo qua để trả lời cho những câu hỏi đại loại như Tại sao VN luôn bị lạm phát cao ? Tại sao VN nhập siêu ? Tại sao VN lãng phí vốn đầu tư ? Tại sao VN có hiện tượng "kẻ ăn không hết người lần không ra" ? ........

Tôi chỉ không đồng ý với tác giả ở 1 điểm "lớn" là, không phải chỉ có người giàu mới tìm đường định cư ở nước ngoài. Tầng lớp trí thức trung lưu cũng đã và đang có xu hướng này. Xu hướng này lan ra cả xã hội mà không phải ai cũng hiểu vì sao phải như thế. Người ta cố gắng nhồi nhét cho con cái họ học thật nhiều (tất nhiên là có định hướng) chính là vì mục tiêu này. Phần lớn xã hội cũng "chạy" (chạy trường chạy lớp) nhưng không hiểu vì sao phải "chạy" nên "chạy" lung tung không có mục tiêu. Kết quả là phần lớn học sinh không xác định được "học để làm gì". Phần lớn du học sinh không quay về nước, đặc biệt là du học sinh tự túc. Những người quay về nước thường là những người sống ở nước ngoài 1 thời gian khá dài đủ để hiểu cơ hội làm giàu ở nước ngoài thấp xa so với ở VN. Luật pháp nước ngoài rất chặt chẽ, đầu cơ bị đánh thuế rất nặng, anh muốn làm giàu thì phải tạo ra cái chưa ai có, làm được những việc chưa ai làm được. Những người mới tốt nghiệp đại học thường kém kinh nghiệm làm việc, môi trường nước ngoài là nơi "siêu tốt" để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, tích lũy vốn trước khi trở về VN tham gia tham gia vào vòng xoáy đầu cơ-loppy-làm giàu.

Vốn nước ngoài đổ vào VN hàng năm rất lớn, tiền thật nhưng công nghệ thì lạc hậu, ......vì người ta dùng tiền vào việc khác chớ không phải để "đầu tư chân chính".

2 từ "yêu nước" được người ta hiểu 1 cách quá sơ sài. Phần lớn người ta cho rằng chống ngoại xâm, chống lấn chiếm lãnh thổ của nước ngoài mới là "yêu nước". Ngày nay, sự xâm lược bằng vũ lực là rất hiếm hoi. Người ta gây "chiến tranh", "xâm lược" nhau bằng quyền lực mềm. Vì hiểu sơ sài như thế nên VN là 1 trong những quốc gia có hệ thống "phòng thủ" kém nhất thể hiện qua việc hàng ngoại nhập tràn vào VN mà chả ai chống thậm chí còn hí hửng vì được "mua rẻ". VN rõ ràng là 1 nước độc lập về chính trị nhưng .....không có tên trên bản đồ kinh tế TG. Cuộc chiến tranh giành độc lập của người VN có vẻ vẫn chưa chấm dứt vì không có nhiều người VN hiểu hình thái mới của loại chiến tranh này.
(Phan Bảo Lâm
---------------------------
Giàu có là sự thành công, là cái đáng để hãnh diện chớ đâu phải là cái tội, đâu có đáng bị lên án. Vấn đề là người giàu biết dùng tiền "thừa" ấy vào việc gì có ích cho xã hội mà không mâu thuẫn với lợi ích bản thân. Anh có thể xây 1 căn hộ, 1 ngôi biệt thự hoành tráng. Không thành vấn đề. VN có đầy các công ty xây dựng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của anh. Anh có thể ăn chơi xa xỉ lòng vòng trong nước, khoe khoang sự giàu có của mình. Hoan nghênh thôi vì sự ăn chơi của anh sẽ làm cho 1 số không ít người có việc để làm. Anh có thể mở công ty công nghệ, liên doanh liên kết đầu tư đổi mới công nghệ tiếp tục kinh doanh ở trình độ cao. Thế thì anh là "anh hùng" của đất nước, của dân tộc rồi. Hãng xe to như GMC tạo việc làm cho cả trăm nghìn người. Hãng xe bé như Chrysler cũng có hơn 11 nghìn lao động. Mà đâu phải loại lao động trình độ tầm thường. Nội doanh thu của 2 hãng ấy thôi đã bằng chục lần tổng GDP của VN. Anh chả là "anh hùng" thì là gì.

Vì sao người giàu VN không làm được những việc đó ? Vì họ đi lên bằng sự đầu cơ. Người sáng lập hãng xe hơi Ford là 1 anh thợ máy lấm lem dầu mỡ. Người sáng lập hãng Microsoft là 2 chàng sinh viên đam mê công nghệ. Cả 3 người ấy có vốn khởi nghiệp không đủ để cho người giàu VN "xỉa răng". Vì sao phải ví dụ 2 hãng đó ? Vì 2 hãng đó được thành lập cách nhau gần 1 thế kỷ, với 1 quá trình dài từ CNTB hoang dã đến CNTB hiện đại. VN đang trong giai đoạn kinh tế tương đương với CNTB hoang dã mà có vẻ còn "hoang dã" hơn chính những người tạo ra nó. Cái tốt khó học, cái xấu không cần học cũng thông. Cái xe hơi Ford trăm năm về trước có nằm ngoài tầm tay, ngoài trình độ kỹ thuật công nghệ của người VN không ạ ? Anh có làm được cái xe ấy thì mới tiến tới được cái xe Ford hiện đại bây giờ chứ. Phát triển công nghệ mà từ chưa có gì muốn đi tới hiện đại ngay chả khác gì không cần học phổ thông, đại học, 1 phát leo lên tiến sỹ ngay được à ?

Muốn tiến nhanh bắt kịp thì phải chịu tốn kém. Người ta làm ra cái xe hơi qua nhiều thời kỳ, làm đến đâu bán đến đấy nên họ giàu. Theo kịp người ta thì những cái xe đầu tiên do mình làm ra không có giá trị thương mại, không bán được cho ai, nhưng là nền tảng để cải tiến nâng cao những "đời" xe tiếp theo cho đến khi theo kịp. Hàn quốc kiên trì con đường đó và họ đã thành công. Từ cái xe đầu tiên thô sơ nhất đến cái xe chưa có giá trị thương mại gần nhất, Nhà nước phải tài trợ nghiên cứu vì không có tư nhân nào chịu nổi chi phí ấy. Xin thưa với các vị "dân biểu" là tài trợ nghiên cứu của Nhà nước về công nghệ chính là đầu tư công ích nước lợi dân đấy ạ dù việc tài trợ ấy ban đầu chỉ toàn lỗ với lỗ vì sản phẩm nghiên cứu ra chưa bán được. Tư duy của các vị là bỏ ra 1 đồng phải thu lại hơn 1 đồng nghe thì có vẻ nhanh làm giàu thực tế thế nào thì các vị biết rồi. Nghiên cứu công nghệ trong giai đoạn đuổi kịp chỉ có "học và làm" thôi chớ chưa có "sáng tạo" đâu ạ nên người ta mất 100 năm thì ta chỉ mất hơn 20 năm thôi. Cái xe hơi chỉ là 1 ví dụ nhỏ, các vị nên suy rộng ra toàn bộ nền kinh tế VN hơn là bám vào cái ví dụ ấy.

Nhà nước lấy tiền đâu để tài trợ nghiên cứu ? Thế các tập đoàn "chủ đạo" lập ra để làm gì ?Lấy tiền lời từ khai thác tài nguyên "trời cho" mà đổ vào đấy chớ đâu. Khi làm ra được máy móc tương đối hiện đại thì tài nguyên thô của mình chỉ khai thác "nhỏ giọt" thôi ạ, phần lớn là nhập thô từ nước ngoài về đấy ạ. Người khôn không xài "của chìm" trong nhà. "Của chìm" ấy để giành cho các thế hệ sau có cái mà làm cho VN "mở mày mở mặt". Vì các vị không biết dùng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu khoáng sản thô vào việc gì, ăn xài chi tiêu hết nên VN từ xuất siêu trong 10 năm đầu chuyển sang nhập siêu trong 10 năm trở lại đây.  Mời các vị ở Bộ Tài chính sang những nước phương Tây GIÀU CÓ mà xem công chức của người ta đi xe công vụ loại gì ? Họ đi loại xe mà dân thường cũng chả thèm mua đấy ạ. Những nước ấy văn minh, so sánh với họ làm gì. Ừ, thế sang Hàn, sang Ấn, sang TQ xem công chức của họ đi xe công vụ gì nhé. Là xe sản xuất trong nước hoàn toàn 100% GTGT của họ đấy ạ, chất lượng kém nhưng giá rẻ. Anh thích đi xe "hoành tráng" thì tự bỏ tiền túi ra mà mua chớ Nhà nước không bao cấp cho anh cái khoản "khoe mẽ" đâu ạ. Xe công vụ chỉ là chuyện nhỏ, nhà công vụ mới kinh. Người ta tìm trăm phương nghìn kế để hợp thức hóa bán nhà công vụ.
Có bao nhiêu đất công đem bán hết, cho thuê hết. Đất công đâu phải là thứ để đem kinh doanh hả các bác. Khủng hoảng kinh tế, thống đốc bang giàu có thứ 2 của Mỹ, bang California, ông Arnold Shwagenegger phải bán đất công để duy trì hoạt động của bộ máy hành chính và "được" báo chí Mỹ bình luận là "vụ việc chưa từng xảy ra trong 100 năm qua". Đất công chính là thứ để làm quy hoạch đấy các bác ạ. Người ta quy hoạch, xây dựng khu đô thị hiện đại, xong thì họ "lùa" dân ở những khu xập xệ vào đấy để ở và lấy đất của khu xập xệ tiếp tục quy hoạch cho đến khi thành 1 thành phố văn minh hiện đại chớ đâu phải kiểu "quy hoạch" của VN. Bảo là "lùa" chớ thực ra Nhà nước cho thuê với nhiều mức giá khác nhau. Trong thời gian cho thuê, toàn bộ khu đô thị ấy được đem bán trên .....TTCK để tư nhân hóa, Nhà nước thu hồi vốn nhanh mà quy hoạch tiếp. Nhà dân trong diện quy hoạch được Nhà nước mua lại với giá cao, cái giá cao ấy được tính đúng tính đủ khi đem bán trên TTCK nên chả mất đi đâu. Xin hỏi các bác "chiên gia" kinh tế, làm như thế thì ai đầu cơ BĐS vào đâu được ạ ? Kinh tế phát triển đến đâu, TTCK phát triển đến đấy, Nhà nước liên tục đem các dự án công đã hoàn chỉnh có giá trị tới hàng chục tỷ đô vào TTCK để thu hồi vốn nhằm đầu tư cho các dự án công khác thì ai có thể đầu cơ chứng khoán được khi thị trường mở rộng liên tục như thế ?

Ý nghĩa của TTCK là xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư . Các dự án công khi đưa vào sử dụng hết thảy đều có thu phí với mức lãi theo luật định, có khác gì đầu tư dài hạn. Nhà nước giám sát bằng luật pháp, tư nhân có muốn thu hơn 1 đồng cũng không được. Đừng có nói Mỹ là "TG tự do" thì ai muốn kinh doanh đầu cơ kiểu gì cũng được. Anh chỉ "tự do" trong khuôn khổ luật pháp thôi ạ. Cái gì ông Lâm cũng đem Mỹ ra để so sánh, ông bị "Mỹ hóa" à ? Học hỏi cái hay cái tốt thì phải nhìn vào nơi văn minh nhất mà học chớ chả lẽ học ở Somali (1 đất nước mà Chính phủ hoàn toàn mất quyền kiểm soát mọi thứ, tức là vô Chính phủ) hay Zimbabuwe (lạm phát đến hơn nghìn % 1 năm). Tất cả những thứ mà tôi trình bày thuần túy chỉ là quản trị Nhà nước và quản trị chính sách thôi ạ. Thậm chí không cần học gì cũng có thể nghĩ ra được chớ đừng nói là có học, bằng không các vị lãnh đạo Mỹ chả hóa ra là bác học, là thần đồng hay thiên tài hết cả hay sao. Chỉ cần có cái TÂM là đủ rồi đấy ạ. TÂM sáng thì mình dù thiếu kiến thức vẫn biết đặt ai có kiến thức có năng lực vào vị trí cần thiết.
Dù anh có "định hướng" gì đi nữa thì phải biết "lấy dân làm gốc". Cái câu "lấy dân làm gốc ấy" lại xuất phát từ TQ hơn 2 nghìn năm trước vào thời hỗn loạn nhất trong lịch sử của họ. Vậy, ai là dân ? Ai mà chả là dân, từ quan chức Nhà nước cấp cao nhất tới người nghèo hèn địa vị xã hội thấp kém nhất đều là dân cả. Lấy dân làm gốc là làm gì ? Tầng lớp nào trong xã hội chiếm số đông nhất phải được ưu tiên nhiều nhất trong mọi chính sách. Chính sách của những nước TƯ BẢN đâu có ưu tiên cho người giàu hay người nghèo chiếm số ít trong xã hội. Số đông nâng mức sống lên được thì tất yếu số ít cũng phải nâng theo. Người nghèo ở Mỹ có thu nhập bao nhiêu ? Dưới 20 nghìn đô/năm. Thu nhập ấy mà áp vào VN thì thuộc tầng lớp nào ? Là người thuộc tầng lớp trung lưu khá giả.

Không phải là người VN kém thông minh mà tư duy đầu cơ kết hợp với tư tưởng phong kiến còn nặng nề nên rất cần đổi mới giáo dục, kiện toàn hệ thống luật pháp.
(Phan Bảo Lâm)

1 comment:

Phi Yến said...

(copy from: http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2011/01/3BA25076/ )

NHẬN THỨC VỀ NƯỚC MỸ
Tôi xin được mạn phép góp thêm ý kiến của nhóm 2 và 3. Như tác giả đã trình bày thì hai nhóm này đều là những người có một cuộc sống khá tốt, đang giữ một chức vụ cao cũng như sở hữu một số tài sản có giá trị khi còn ở Việt Nam.

Chính vì thế mà có nhiều người trong nhóm này thường hay nói là nếu có tiền thì sống ở VN sướng hơn nhiều, có người hầu hạ trong nhà, sống thoải mái vô tư (quá vô cảm chăng?)......vv. và họ không hài lòng với cuộc sống mới là bởi vì khi họ qua Mỹ bổng chốc thấy mình cũng như mọi người. Khi qua Mỹ họ mặc một cái áo đắt tiền, đeo một chiếc đồng hồ hiệu, đi một chiếc xe sang trọng sao không thấy ai khen, nể nang, và khâm phục như khi họ ở bên VN vậy hè? Trời! sao ai ai cũng chạy xe hơi, ăn no mặc ấm, được đối xử công bằng dù có tiền hay không, hoặc giàu hay nghèo sao quá khó phân biệt vì ai ai cũng có một đời sống tương đối căn bản rất cao nếu đánh giá chung về bề ngoài của mọi người. Có lẽ vì thế mà rất nhiều người trong nhóm này cảm thấy tiếc nuối và chán trường về đời sống ở Mỹ.
Cuộc sống dư giả và sang trọng của họ ở bên VN đã cho họ có sự nể trọng, khâm phục, ngưởng mộ, và thèm khát của từ hàng ngàn người nghèo khó đang sống chung quanh họ. Họ cảm thấy hạnh phúc và hảnh diện vì khoảng cách giàu của họ và nghèo của nhiều người khác. Họ có thể dùng tiền để "bôi trơn" mọi thứ trong mọi công việc để rồi họ cảm thấy sung sướng vì mình "có tài" hơn nhiều người khác. Họ chê bai những công việc chân tay. Họ coi thường những người làm việc giúp nhà do vậy mà khi qua Mỹ họ không muốn làm những công việc tương tự đó. Chính vì sự kinh miệt đó và từ cái bụng ta suy ra bụng người mà họ cứ tưởng là ai ai ở Mỹ cũng sẽ xem thường họ nếu họ phải làm những công việc thấp hèn đó (theo cách nhìn của riêng họ) mặc dầu ở Mỹ công việc nào cũng quan trọng và cũng đáng hoan nghênh như nhau trong xã hội.

Tuy nhiên không ít người trong nhóm này lại có cái nhìn rất khác về nước Mỹ. Không riêng gì người Việt mà rất nhiều các giới giàu có nổi tiếng lẫn kiến thức và tiền bạc trên khắp nơi thế giới đều muốn đến Mỹ định cư (cách đây không lâu, VNEXPRESS có đăng là nước Pháp lo ngại là vì có quá nhiều trí thức tên tuổi đang tìm đến Mỹ làm việc và sinh sống. Ở VN thì ai ai cũng biết là có GS Ngô Bảo Châu). Ở những người này thì họ không tiếc nuối vì đã để mất đi sự nể trọng, ngưởng mộ, và khâm phục khi họ đặt chân đến nước Mỹ nhưng tâm hồn họ cảm thấy thoải mái và thanh thản rất nhiều vì chung quanh họ ai ai cũng được đối xử công bằng không phân biệt giàu hay nghèo.
Đời sống căn bản của mọi người nhìn chung rất tốt. Không có cảnh giàu nghèo cách biệt đến phản cảm.... là tất cả những điều họ mong muốn khi đến sinh sống ở Mỹ. Nhiều người trong số họ không ngại ngùng làm lại từ đầu từ con số không. Tuy vất vả để có được thành quả hiếm hoi từ những công việc chân tay lúc ban đầu nhưng họ rất tự hào vì những đồng tiền chân chính bằng chính sức lao động thật sự của họ. Và họ thành công hay không thì hãy nhìn đáp số 8 tỷ đôla của họ trong năm vừa qua đã gởi về VN để giúp gia đình họ, bớt đi một gánh rất nặng cho xã hội.

Nhận thức đúng đắng về nước Mỹ nó không liên quan gì đến giàu hay nghèo, thành công hay không, nhóm một, nhóm hai hay nhóm ba như tác giả đã trình bày. Gần đây không ít độc giả (tương đối đã ổn định ở VN) mới định cư ở Mỹ vài năm thôi, tuy còn rất khó khăn nhưng đã nhận thức về nước Mỹ rất đúng còn hơn là bác Danny ở Mỹ đã ở 16 năm. Chẳng hạn như Mèo Con chỉ mới qua Mỹ vài năm nhưng có nhận xét rất đúng về nước Mỹ khi nói về những cái hay và cái xấu ở Mỹ. Chúng ta không cần phải đợi đến thành đạt, học đại học cho xong mới hiểu về nước Mỹ cho đúng. Chúng ta có quyền nhận xét mặt tốt hay xấu về nước Mỹ nhưng khi viết về nó chúng ta phải biết cân nhắc, đo đếm sao cho gần đúng nhất nếu có thể chứ đừng để lòi ra cái "ngu" của mình khi viết về nó. Khi cho ra ví dụ thì nên có dẫn chứng có tầm ảnh hưởng chung hay đại đa số trong xã hội.

Phi Yến